Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì
Thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn liền với những đột phá về công nghệ, liên quan đến kết nối internet, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, cảm biến thông minh, mô hình thực tế ảo... Đặc trưng nổi bật của cuộc cách mạng này đó là công nghệ thay thế dần sự có mặt của con người trong mọi hoạt động, kết nối không gian thực và không gian số; khác biệt với các cuộc cách mạng trước là tạo ra phương tiện chủ yếu thay thế sức lao động cơ bắp, thì cuộc cách mạng này tạo ra khả năng thay thế trí óc, tư duy của con người. Trong CMCN 4.0, CNTT đóng một vai trò hết sức quan trọng để tạo ra một thế giới kết nối, xử lý thông minh, đặc biệt đối với hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường.
Ứng dụng CNTT ngành TN&MT giai đoạn 2004-2018
Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ngành tài nguyên và môi trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 179/2004/QĐ-TTg ngày 06/10/2004. Sau 15 năm triển khai Chiến lược đã đạt được kết quả như: xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL), tin học hóa phục vụ cải cách hành chính trong ngành tài nguyên và môi trường; có tầm nhìn và cách tiếp cận có hệ thống trong công tác ứng dụng CNTT, đánh giá đúng vai trò của CNTT; xây dựng, xác định rõ các định hướng và bước đi cụ thể trong ứng dụng CNTT; tham mưu cho lãnh đạo các cấp về sự cần thiết cũng như triển vọng và lợi ích của ứng dụng CNTT, kiện toàn bộ máy quản lý chuyên trách về CNTT các cấp; đã và đang triển khai các nội dung hết sức quan trọng, tạo nền tảng cho ứng dụng CNTT của ngành trong thời gian tới. Ngày 14/6/2017 Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2017/NĐ-CP về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Nghị định quy định việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường (đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, viễn thám, tài nguyên môi trường biển và hải đảo). Đây là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để ngành tài nguyên và môi trường thực hiện xây dựng, tạo lập môi trường thông tin số của ngành.
Bộ TN&MT xây dựng chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Thực hiện Kế hoạch số 05-KH/BCĐ ngày 02 tháng 4 năm 2018 của Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án "Chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo xây dựng chuyên đề “Chính sách, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong quản lý tài nguyên và môi trường”. Bộ TN&MT xác định việc thực hiện Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin là tiền đề quan trọng kế thừa, phát triển để thực hiện CMCN 4.0 trong ngành tài nguyên và môi trường.
Quan điểm bao trùm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là phải khai thác tối đa Tài nguyên số về tài nguyên và môi trường, biến nguồn Tài nguyên số về tài nguyên và môi trường thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Xác định: (1) Ngành tài nguyên và môi trường cần thiết chủ động tiếp cận và đẩy mạnh CMCN; (2) Ngành tài nguyên và môi trường là ngành quản lý “không gian phát triển” của đất nước, gồm trên không, trên bề mặt, dưới lòng đất, dưới mặt biển, dưới lòng đất, đáy biển. Mọi hoạt động điều tra cơ bản, quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ của ngành đều dựa trên kết quả thu nhận, phân tích, xử lý, tổng hợp thông tin. Thông tin của ngành bao trùm toàn bộ không gian bốn chiều (theo không gian và thời gian). Việc xây dựng được một hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn toàn diện về tài nguyên và môi trường và có cơ chế để các tổ chức, cá nhân có thể khai thác, tiếp cận, sử dụng và tham gia đóng góp trên cơ sở công nghệ, khả năng kết nối, phân tích, xử lý, chia sẻ của CMCN 4.0 là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới.
Mục tiêu (1) Sử dụng rộng rãi, phát triển những giải pháp hoạt động dựa trên công nghệ số hoá; thu nhận, tích hợp với các hệ thống cảm biến thông minh, hệ thống điều khiển, kết nối thông tin; quản lý, lưu trữ và sử dụng, chia sẻ các dữ liệu lớn dựa trên điện toán đám mây; phân tích và xử lý dữ liệu lớn để tạo ra những tri thức mới; phân tích, xử lý, đánh giá các dữ liệu để đưa ra quyết định chính xác, kịp thời; cung cấp, công bố, chia sẻ sử dụng thành quả cho tổ chức, cá nhân và cộng đồng; (2) Với sự hỗ trợ của CMCN 4.0, tối ưu hóa mô hình hoạt động, hoàn thiện các chức năng bộ máy tổ chức; xác lập quy trình làm việc, chuỗi hoạt động thông minh gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động phục vụ nhiệm vụ quản lý, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ trong toàn ngành.
Nhiệm vụ: (1) Tự động hóa hoá việc thu nhận, xử lý, cung cấp và chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường theo thời gian thực; (2) Phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT tài nguyên môi trường theo hướng hội tụ, áp dụng giải pháp điện toán đám mây trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng thành tựu kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược quy hoạch kế hoạch trong các lĩnh vực. Xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu lĩnh vực, toàn ngành, quốc gia ứng dụng giải pháp dữ liệu lớn; (3) Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng và phân tích, xử lý, tổng hợp nội dung thông tin, dữ liệu, số liệu với công nghệ trí tuệ nhân tạo, học máy... để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ của ngành; (4) Xây dựng cơ chế công khai, chia sẻ, sử dụng thông tin trên môi trường mạng đến các cơ quan trong và ngoài ngành tài nguyên và môi trường; chia sẻ thông tin đến tổ chức, cá nhân; tiếp nhận, xử lý thông tin trên môi trường mạng; (5) Làm chủ công nghệ quan trắc, xử lý, mô hình hóa, dự báo ngành tài nguyên môi trường, năng lực nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm trọng điểm về công nghệ, ưu tiên đầu tư nghiên cứu đổi mới sáng tạo, ưu tiên việc chuyển giao công nghệ mới để tạo ra sản phẩm dịch vụ có khả năng cạnh tranh. Áp dụng rộng rãi công nghệ kết nối internet, các công nghệ tự động, thông minh trong quan trắc, thu nhận, đo đạc, điều tra, khảo sát về tài nguyên và môi trường; (6) Đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có, thu hút nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao ngành tài nguyên và môi trường, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận sử dụng công nghệ, làm chủ công nghệ tiên tiến. Đồng thời, mở rộng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế tạo nền tảng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (7) Đẩy mạnh bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định pháp luật và các cơ chế chính sách sửa đổi bổ sung bảo đảm tạo được môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng phát triển công nghệ, phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT, tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình dự án trọng điểm; (8) Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ ngành tài nguyên và môi trường biết về vai trò tầm quan trọng trong việc đổi mới, áp dụng công nghệ; chủ động, xây dựng chính sách tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0.
Giải pháp căn bản: (1) Chú trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước, do ngành tài nguyên và môi trường đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội cần được đầu tư trở lại để phát triển tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; mục tiêu đến năm 2030 thành ngành quản lý hiệu quả và chuyên môn nghiệp vụ hiện đại đáp ứng yêu cầu của sự phát triển của đất nước và của xã hội; (2) Có chính sách xã hội hóa đầu tư để từng bước, theo lộ trình phù hợp để phát triển rộng rãi ngành và giảm gánh nặng cho ngân sách; (3) Ngành tài nguyên và môi trường quản lý đa lĩnh vực, phạm vi ảnh hưởng lớn, do đó cần xây dựng một số chương trình lớn và ưu tiên lĩnh vực trọng điểm. Chương trình đầu tư đồng bộ, có lộ trình thành 3 giai đoạn: đến 2020, 2022-2026; 2026-2030 và đánh giá kết quả, hiệu quả đạt được của từng giai đoạn.
Chương trình, dự án trọng điểm: Tại báo cáo “Chính sách, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong quản lý tài nguyên và môi trường” Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường chỉ đạo: các lĩnh vực đề xuất xây dựng chương trình hoặc dự án trọng điểm chuyển đổi công nghệ số và ứng dụng CNTT trong đề án “Chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngành tài nguyên và môi trường” khi Nghị quyết, Chương trình hành động thực hiện Nghi quyết được ban hành.
Dự kiến lộ trình và kế hoạch triển khai:
- Đến năm 2021, hoàn thành việc xây dựng, trình ban hành Chiến lược Tài nguyên số tài nguyên và môi trường đến năm 2030 và định hướng đến năm 2035; triển khai xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT, các HTTT/CSDL của ngành.
- Đến năm 2025: Cơ bản hoàn thành đổi mới hạ tầng kỹ thuật CNTT, hoàn thiện các HTTT/CSDL toàn ngành; đáp ứng việc phân tích, xử lý, hỗ trợ ra quyết định dựa vào các công nghệ thông minh.
- Đến năm 2030: hoàn thành triển khai CMCN 4.0 ngành tài nguyên và môi trường, đạt các mục tiêu đề ra.
Như vậy, ngành tài nguyên và môi trường có tầm quan trọng và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, ổn định xã hội, an ninh, quốc phòng; là ngành đã có các bước đi chuẩn bị, ứng dụng các công nghệ hiện đại; là ngành đặc thù trong quản lý, phân tích xử lý khối lượng lớn thông tin, dữ liệu số nên phải chủ động hội nhập trong thời gian sớm nhất. Để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững ngành tài nguyên và môi trường phải đi trước 1 bước trong bối cảnh nhiều cơ hội, thời cơ nhưng cũng chứa đựng rủi ro và thách thức như hạ tầng công nghệ còn thấp kém; nguồn nhân lực còn hạn chế; nguồn lực đầu tư chưa tương xứng.
Ngành tài nguyên và môi trường cần chủ động hội nhập với CMCN 4.0, mạnh dạn thực hiện các nội dung công việc để tiến tới là ngành số hóa toàn diện phục vụ phát triển bền vững cho cả nền kinh tế và đất nước.
Chi tiết báo cáo kèm theo
/Data/files/BC%20Chinh%20sach%2C%20nhiem%20vu%2C%20giai%20phap_BKTTU.pdf