Sự kiện KHCN

Hội thảo quốc tế “Quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”

14/08/2019 | 0
Sáng ngày 14 tháng 8 năm 2019 Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo quốc tế “Quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”

Sáng ngày 14 tháng 8 năm 2019 Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo quốc tế “Quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin về chính sách, công cụ quản lý chất thải rắn đô thị của quốc tế và trong nước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn. Nội dung trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm, kiến thức của các chuyên gia từ các quốc gia trên thế giới với các chuyên gia, nhà quản lý của Việt Nam sẽ hoàn thiện phương thức quản lý chất thải rắn đô thị hiện nay. Đảm bảo định hướng hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, phát huy vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc góp phần thiết lập vị thế mới của Việt Nam và được xác định là một động lực thúc đẩy các hoạt động khoa học và công nghệ nước ta.

                                                                                       Chù trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường môi trường, đặc biệt là quản lý chất thải rắn, đã xây dựng được hành lang pháp lý, công cụ trong quản lý chất thải rắn, dần dần từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn đô thị, đưa các công nghệ tiên tiến trên thế giới về xử lý chất thải rắn vào Việt Nam, điều này góp phần không nhỏ trong nỗ lực giảm thiểu chất thải rắn tại các đô thị trên toàn quốc. Thứ trưởng cho rằng để công tác quản lý chất thải rắn đô thị đạt hiệu quả cao, cần có sự học hỏi kinh nghiệm quốc tế, bắt nhịp với các phương thức, công cụ quản lý tiên tiến, hiệu quả trên thế giới, cũng như tìm hiểu, ứng dụng các công nghệ hàng đầu trong việc xử lý chất thải rắn đô thị. Để làm được điều này, cần có sự quan tâm đúng mức, có cách tiếp cận mới, xem rác thải là nguồn tài nguyên, quản lý chất thải rắn phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn.

                                                       Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc chỉ đạo Hội thảo

Hội thảo có sáu bài báo cáo tham luận với sự trình bày tham luận của các chuyên gia quốc tế đầu ngành trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn và kinh tế tuần hoàn đến từ Đại học Griffith, Úc; chuyên gia chính sách đến từ Hàn Quốc; chuyên gia đến từ Đại sứ quán Đức cùng với các chuyên gia từ Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường. Trọng tâm của các báo cáo tham luận tại Hội thảo là đưa ra những kinh nghiệm thế giới về ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn đô thị và phục hồi tài nguyên; kinh nghiệm về chính sách mới trong quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn tại Hàn Quốc; các sáng kiến và chính sách xử lý chất thải nhựa quốc gia; Kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu; Quan điểm và khuyến nghị từ Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và Hạt nhân CHLB Đức; Chiến lược của Úc đề xuất nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế theo cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn.

TS. Sunil Herat, chuyên gia quốc tế quản lý chất thải, Trường Kỹ thuật và Môi trường Xây dựng,

Đại học Griffith, Brisbane, Úc trình bày tham luận tại Hội thảo

PGS.TS. Kim In Hwan, Cố vấn chính sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường,

nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc báo cáo tham luận tại Hội thảo

Ông Jorg Ruger, Bí thư thứ nhất về Môi trường, bảo tồn thiên nhiên và an toàn hạt nhân,

Đại sứ quán CHLB Đức trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo

Hội thảo nhận được sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia quốc tế đến từ các Đại sứ quán Nauy, Nhật Bản, Phần Lan; Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP); các tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF); Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO); Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB; Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam EU; Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN; JICA; Chương trình nhân cư Liên Hợp Quốc UN-Habitat; Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế khác. Trong nước có các đơn vị quản lý nhà nước của Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; các Trường Đại học Xây dựng, Trường Đai học Kiến trúc Hà Nội. Các chuyên gia quốc tế và trong nước đã thảo luận về các vấn đề về xử lý chất thải rắn bằng các công nghệ đốt rác phát điện, tái chế, tái sử dụng rác thải và đặc biệt là phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời, cần quan tâm đến hiện trạng máy móc, trình độ công nghệ trong nước, phân tích được đặc tính chất thải để có công nghệ phù hợp với từng loại chất thải. Ông Jogh, Bí thư thứ nhất về Môi trường, bảo tồn thiên nhiên và an toàn hạt nhân, Đại sứ quán CHLB Đức chia sẻ “Cần cân nhắc kỹ lưỡng mặt được và tác động đối với nhà máy xử lý rác thải phát điện theo công nghệ của Đức, trong đó cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề tác động đối với môi trường” Ông tin tưởng rằng ở VN hoàn toàn có thể làm được theo công nghệ nhà máy xử lý chất thải phát điện của Đức. Ông Matti Tervo – Đại sứ quán Phần Lan cho biết “Quy định của EU về sử dụng nhiên liệu và rác thải rất chặt chẽ, nếu các nhà máy đốt rác thực hiện theo đúng quy định thì lượng khí thải ra sẽ rất thấp. Việt Nam cần lựa chọn công nghệ phù hợp với đặc điểm thành phần rác hữu cơ chiếm tỉ lệ rất cao, Tuy nhiên các địa phương chỉ đề cập công nghệ đốt rác phát điện là chưa đủ do đang tiêu tốn năng lượng sấy rác hữu cơ. Rác hữu cơ có thể xử lý ra biogas và ra rác tái chế tiếp theo công nghệ tại Phần Lan”. Các chuyên gia quốc tế và trong nước cũng đã thảo luận được các vấn đề trọng tâm về quản lý chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay và tính khả thi tại Việt Nam khi áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Từ đó, đề xuất được những hướng nghiên cứu cho giai đoạn tiếp theo, cũng như mở ra những cơ hội hợp tác quốc tế và trong nước thuộc lĩnh vực quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng kinh tế tuần hoàn.

Kết luận Hội thảo, Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định rằng, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng công cụ chính sách chung đối với phân loại rác thải tại nguồn, đưa ra giải pháp đồng bộ về cơ chế chính sách, dựa trên đánh giá được thực trạng về điều kiện nhân lực, nhận thức, công nghệ xử lý chất thải hiện nay để biến rác trở thành nguồn tài nguyên, đáp ứng phát triển kinh tế tuần hoàn.  Đồng thời, cần làm mới, đẩy mạnh phong trào sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng đã có từ trước đó, xem xét nhân rộng mô hình các khu công nghiệp sinh thái. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo “Giao Tổng cục Môi trường, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Hợp tác quốc tế trong thời gian sớm nhất xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá trình độ công nghệ xử lý chất thải rắn, trong đó trọng tâm xây dựng nhà máy đốt rác phát điện với các quy mô cụ thể”.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân xin trân trọng cảm ơn Ông Sunil Herat, chuyên gia quốc tế quản lý chất thải, Trường Kỹ thuật và Môi trường Xây dựng, Đại học Griffith, Brisbane, Úc; Ông Kim In Hwan, Cố vấn chính sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc; Ông Jorg Ruger, Bí thư thứ nhất về Môi trường, bảo tồn thiên nhiên và an toàn hạt nhân, các đại diện các Đại sứ quán; các tổ chức quốc tế; các chuyên gia của các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có các đóng góp vào thành công của Hội thảo Ông cũng tin tưởng rằng, trong giai đoạn tới sẽ có những nghiên cứu mới và hành động cụ thể về xử lý chất thải rắn theo định hướng kinh tế tuần hoàn, thông qua việc học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế, nhằm lựa chọn được những mô hình quản lý chất thải rắn đô thị phù hợp với điều kiện KT-XH Việt Nam, tìm ra được bản chất của phát triển kinh tế tuần hoàn, đảm bảo giảm thiểu nguồn rác thải, tận dụng tối đa được nguồn tài nguyên rác thải trong các ngành, lĩnh vực khác.

                                                                       Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Tài liệu hội thảo được đăng tải tại địa chỉ http://tailieuhoinghi.monre.gov.vn

TTH-VKHCN