THÔNG BÁO HỌP NGHIỆM THU ĐỀ TÀI LĨNH VỰC VIỄN THÁM TNMT.2018.08.02
Tên đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ giám sát một số yếu tố môi trường khu vực các nhà máy nhiệt điện”;
Thời gian họp dự kiến: 08h 30 phút ngày 24/03/2022 (Thứ năm);
Địa điểm họp: Phòng 1010 nhà A, Bộ Tài nguyên và Môi trường (họp trực tuyến https://htt-khcn.monre.gov.vn/vttbtrong);
Chủ trì: TS. Trần Bình Trọng – Vụ trưởng Vu KH&CN.
THÔNG TIN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Tên đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ giám sát một số yếu tố môi trường khu vực các nhà máy nhiệt điện”.
Mã số: TNMT.2018.08.02
Chủ nhiệm đề tài: TS. Chu Hải Tùng.
Các thành viên tham gia thực hiện chính: ThS. Đặng Trường Giang; ThS. Lê Minh Sơn; ThS. Nguyễn Hải Đông; ThS. Vũ Thị Ánh Kim; ThS. Bùi Thị Thu Hà; ThS. Vũ Bích Ngọc; ThS. Trần Tuấn Đạt; TS. Phạm Minh Hải; Th.S Nguyễn Minh Ngọc.
Tổ chức chủ trì: Đài Viễn thám Trung ương, Cục Viễn thám quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thời gian thực hiện: Từ 6/2018 đến 11/2021.
2. Mục tiêu:
- Xác lập được cơ sở khoa học ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát một số yếu tố môi trường (không khí, nước, bãi thải) khu vực nhà máy nhiệt điện.
- Xây dựng được quy trình công nghệ giám sát một số yếu tố của môi trường không khí, môi trường nước và bãi thải tro xỉ khu vực nhà máy nhiệt điện từ tư liệu viễn thám.
3. Tính mới và sáng tạo:
Hiện nay ở Việt Nam chưa có các nghiên cứu về ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát môi trường khu vực xung quanh các nhà máy nhiệt điện. Vì vậy, nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở để phân tích, đánh giá khả năng ứng dụng của công nghệ viễn thám đối với công tác này, trên cơ sở đó xây dựng bộ công cụ hiện đại, tiên tiến, hiệu quả với các quy trình công nghệ cụ thể phù hợp với diều kiện của Việt Nam phục vụ đánh giá, giám sát chất lượng môi trường và tác động của việc xây dựng và vận hành các nhà máy nhiệt điện trên diện rộng cũng như đánh giá biến động của một số yếu tố môi trường theo thời gian.
Đề tài đã nghiên cứu phương pháp đánh giá chất lượng môi trường không khí (chỉ số PM2.5, PM10), môi trường nước (chỉ số TSS, nhiệt độ bề mặt), và giám sát bãi tro xỉ xung quanh các nhà máy nhiêt điện bằng việc ứng dụng dữ liệu viễn thám kết hợp với dữ liệu quan trắc môi trường để tính toán các thông số nêu trên và xác định phân bố của chúng theo không gian.
Đề tài đã đề xuất được các quy trình ứng dụng viễn thám giám sát một số thông số môi trường không khí, nước, bãi tro xỉ có thể ứng dụng với các tư liệu ảnh miễn phí để giảm thiểu chi phí khi giám sát thường xuyên và ảnh thương mại độ phân giải cao khi cần giám sát chi tiết.
4. Kết quả nghiên cứu:
Đề tài đã đạt được các kết quả chính sau đây:
- Đề tài đã nghiên cứu và đề xuất được các phương pháp và quy trình công nghệ phù hợp để xác định, chiết xuất một số yếu tố môi trường từ dữ liệu ảnh viễn thám đa thời gian tại khu vực xung quanh các nhà máy nhiệt điện.
- Xác định được một số thông số môi trường liên quan đến ô nhiễm không khí (hàm lượng bụi PM10, PM2.5), nước (hàm lượng chất lơ lửng TSS và nhiệt độ), các bãi tro xỉ và lớp phủ cũng như biến động của chúng theo thời gian tại hai khu vực nghiên cứu ở Quảng Ninh và Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận.
- Phân tích, đánh giá được ảnh hưởng của hoạt động xây dựng và vận hành của các nhà máy nhiệt điện đối với một số yếu tố môi trường tại khu vực nghiên cứu, thử nghiệm.
5. Sản phẩm:
1) Báo cáo cơ sở khoa học, phương pháp ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát một số yếu tố môi trường khu vực nhà máy nhiệt điện;
2) Quy trình công nghệ giám sát một số yếu tố môi trường (không khí, nước và các bãi thải, tro xỉ) khu vực nhà máy nhiệt điện bằng dữ liệu viễn thám.
3) Bộ dữ liệu giám sát môi trường (không khí, nước và các bãi thải, tro xỉ, tuyến giao thông).
4) Bài báo, ấn phẩm, tham gia đào tạo:
- 01bài báo đăng trên tạp chí Khoa học Tài nguyên và Môi trường.
- 01 bài báo quốc tế đăng trên Kỷ yếu của Hội nghị Viễn thám châu Á năm 2021 (The 42nd Asian Conference on Remote Sensing (ACRS2021)).
- Tham gia đào tạo 01 Thạc sỹ ngành Bản đồ, viễn thám và GIS
6. Phương thức chuyển giao, địa chỉ ứng dụng, tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu:
Sau khi hoàn thành nghiệm thu đề tài, kết quả và sản phẩm của đề tài sẽ được chuyển giao cho các cơ quan dự kiến tiếp nhận theo quy định.
6.1. Mô tả phương thức chuyển giao:
Việc chuyển giao công nghệ cho các cơ quan đơn vị trong nước thông qua việc đào tạo các cán bộ tham gia trực tiếp đề tài, cũng như các phương pháp, quy trình thực hiện được công bố trong đề tài có tính thực tiễn cao và có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất:
- Đối với Cục Viễn thám quốc gia: thông qua đào tạo các cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện`đề tài; cung cấp cơ sở khoa học và quy trình công nghệ, trao đổi, tư vấn và hướng dẫn sử dụng cho các đơn vị của Cục như Trung tâm giám sát tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu để ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát một số yếu tố môi trường khu vực nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam.
- Đối với các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan thuộc Bộ, ngành có liên quan: Tùy thuộc vào khả năng thực tế của đơn vị tiếp nhận chuyển giao có thể tiến hành chuyển giao kết hợp với trao đổi, đào tạo hoặc tư vấn triển khai, xây dựng mô hình ứng dụng trong thực tế.
6.2. Tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu:
. Hoạt động của các nhà máy nhiệt điện cần được giám sát chặt chẽ để giảm thiểu những ảnh hưởng đến môi trường xung quanh đặc biệt là phát tán tro bụi làm ô nhiễm không khí, làm tăng nhiệt độ mặt nước và giảm chất lượng môi trường nước, phát sinh chất thải rắn (tro, xỉ). Do đó, các kết quả của đề tài, bao gồm phương pháp và quy trình giám sát các yếu tố môi trường nói trên bằng dữ liệu viễn thám là rất cần thiết trước hết là đối với các cơ quan quản lý nhà nước như Tổng Cục Môi trường và Cục Viễn thám quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Các Sở Tài nguyên và Môi trường tại các tỉnh có nhà máy nhiệt điện và chính quyền địa phương có thể sử dụng các kết quả của đề tài để thực hiện việc giám sát các yếu tố môi trường khu vực xung quanh nhà máy nhiệt điện.
Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát môi trường tại các khu vực có nhà máy nhiệt điện thông qua việc sử dụng một trong những công nghệ tiên tiến hiện đại nhất hiện nay là công nghệ viễn thám. Với phương pháp và quy trình công nghệ đề xuất sẽ cho phép các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường như Tổng Cục Môi trường, các Sở Tài nguyên môi trường và chính quyền địa phương và thậm chí cả các chủ doanh nghiệp nhiệt điện thường xuyên đánh giá, kịp thời phát hiện được ảnh hưởng do hoạt động của nhà máy tới môi trường xung quanh.