Tin Khoa học Công nghệ của Bộ

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp trực tuyến lấy ý kiến đối với báo cáo Chương trình KHCN trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2021-2025

31/07/2020 | 0
Sáng ngày 31 tháng 07 năm 2020, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp trực tuyến lấy ý kiến đối với báo cáo Chương trình KHCN trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2021-2025. Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo, Chuyên viên Vụ Khoa học và Công nghệ; thành viên Tổ soạn thảo xây dựng các Chương trình (Quyết định số 1476/QĐ-BTNMT ngày 6/7/2020 về việc thành lập các Tổ soạn thảo xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2021-2025 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhận định vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đặc biệt tại thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa là không thể phủ nhận. Đối với ngành tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ đã và đang đóng góp nhiều nghiên cứu, luận cứ, kết quả ứng dụng thực tiễn để giải quyết các bài toán khó đặt ra cho ngành tài nguyên và môi trường, mang lại hiệu quả không chỉ trong việc xây dựng cơ chế, chính sách mà còn hiệu quả trong hoạt động quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Quyết định ban hành thực hiện 08 Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ đối với các lĩnh vực Đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, biển và hải đảo, đo đạc và bản đồ, viễn thám. Kết quả của các chương trình này đang được được triển khai, đánh giá, đặc biệt về kết quả ứng dụng trong thực tiễn. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, cần đánh giá kết quả các chương trình giai đoạn 2016-2020 một cách hệ thống, toàn diện và khách quan nhất, cần tìm ra được kết quả đạt được cũng như hạn chế, tồn tại và nguyên nhân. Từ đó, mới có cơ sở cho việc xây dựng nội dung chương trình giai đoạn mới, đảm bảo kết quả của giai đoạn mới bám sát yêu cầu thực tế và giải quyết được các vấn đề cốt lõi của ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021-2025.

                                                               Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo cuộc họp

Sau bài phát biển chỉ đạo của Thứ trưởng, các Tổ trưởng phụ trách tổ soạn thảo xây dựng 05 Chương trình ần lượt báo cáo nội dung chính của dự thảo Khung chương trình.:

1. Chương trình “Nghiên cứu khoa học phục vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021-2025”, mã số TNMT.01/21-25;

2. Chương trình “Nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ mới, tiên tiến trong công tác điều tra cơ bản về tài nguyên thiên nhiên, quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021 - 2025”, mã số TNMT.02/21-25;

3. Chương trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị máy móc làm chủ công nghệ đáp ứng yêu cầu của công tác điều tra cơ bản về tài nguyên thiên nhiên và xử lý môi trường giai đoạn 2021 – 2025”, mã số TNMT.03/21-25;

4. Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số và chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025”, mã số TNMT.04/21-25;

5. Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ sử dụng hợp lý tài nguyên tái tạo; tái chế, tái sử dụng rác thải, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025” mã số TNMT.05/21-25

Các dự thảo khung chương trình được đánh giá cao về mục tiêu, nội dung, sản phẩm đưa ra đã bám sát với tình hình hiện nay, cũng như thể hiện được tầm nhìn giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, các ý kiến đều cho rằng, việc xây dựng 05 khung chương trình giai đoạn 2021-2025 theo các nhóm mục tiêu cụ thể như dự thảo là hoàn toàn hợp lý, đáp ứng được các Nghị quyết, Chương trình, Quy hoạch, Kế hoạch... mà Nhà nước cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra cho giai đoạn tiếp theo này. Đảm bảo việc nghiên cứu tạo luận cứ, cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách, điều tra cơ bản, xử lý chất thải, quan trắc, dự báo trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

                    TS. Trần Bình Trọng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ báo cáo quá trình xây dựng dự thảo các                                                                                       Chương trình KHCN 21-25

                                                                                                 Các điểm cầu họp trực tuyến

Các đại biểu tham dự cũng đưa ra những ý kiến về việc cần trọng tâm hơn những vấn đề cốt lõi của ngành tài nguyên và môi trường trong giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là các vấn đề về xây dựng pháp luật của ngành TN&MT; các công nghệ xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường, các thiết bị điều tra cơ bản của ngành cũng như xác định trọng tâm của chuyển đổi số và chính phủ điện từ ngành tài nguyên và môi trường. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm đặc biệt trong việc sử dụng được kết quả của nghiên cứu khoa học và công nghệ, liên thông giữa các lĩnh vực để ứng dụng cho ngành TNMT một cách tổng thể, toàn diện.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, việc xây dựng khung chương trình KH&CN của Bộ TN&MT giai đoạn 2021-2025 theo dự thảo 05 khung chương trình tại cuộc họp là hoàn toàn cấp thiết, hợp lý về tên, mục tiêu và các nội dung, sản phẩm đưa ra. Trong đó, cần có đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2020, là cơ sở cho việc xác định trọng điểm giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, cần tập trung nguồn lực để xây dựng 05 khung chương trình có lộ trình cụ thể nhằm thể hiện được vai trò, nhiệm vụ tham mưu của KHCN cho ngành TNMT. Thứ trưởng chỉ đạo, Vụ Khoa học và Công nghệ tiếp tục là cơ quan đầu mối, xây dựng các Chương trình KH&CN trọng điềm cấp Bộ giai đoạn 2021-2025, trong đó có sự thống nhất giữa các khung chương trình và có sự liên thông, kết hợp giữa các khung chương trình với nhau. Đảm bảo tính hệ thống, tính dự báo và tính ứng dụng của các chương trình sau khi kết thúc.

Thứ trưởng cũng chỉ đạo cụ thể về việc hoàn thiện khung chương trình đề báo cáo Lãnh đạo Bộ và trình Bộ trưởng phê duyệt. Trong đó, các chương trình phải có danh mục các nhiệm vụ KH&CN kèm theo, là nhiệm vụ trọng điểm, có sản phẩm, lộ trình, tiến độ cụ thể, thứ tự ưu tiên nghiên cứu. Các nội dung nghiên cứu phải đảm bảo tính thiết thực, sản phẩm cụ thể, từ ngữ rõ ràng, chỉ tiêu đánh giá chương trình cần tập trung nhiều vào tiêu chí ứng dụng thực tiễn.


Các tin liên quan