Tin Khoa học Công nghệ của Bộ

Kết quả nghiệm thu đề tài lĩnh vực Địa chất và Khoáng sản TNMT.2017.03.03

30/03/2021 | 0
Thực hiện Quyết định số 47/QĐ-BTNMT ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vào 13h30 ngày 19 tháng 03 năm 2021 tại Phòng 1010, nhà A, trụ sở Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ đã họp để đánh giá nghiệm thu đề tài: "Xác lập cơ sở khoa học để đánh giá triển vọng quặng wolfram (sheelit) và khoáng sản đi kèm khối Sông Chảy", mã số TNMT.2017.03.03. - Chủ chì: ThS. Nguyễn Thạc Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ.

1. Thông tin chung:

Tên đề tài: "Xác lập cơ sở khoa học để đánh giá triển vọng quặng wolfram (sheelit) và khoáng sản đi kèm khối Sông Chảy".

Chủ nhiệm: ThS. La Mai Sơn.

Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Liên đoàn Bản đồ Đia chất miền Bắc, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Thành viên tham gia chính: TS. Trần Mỹ Dũng, TS. Nguyễn Trường Lưu, TS. Ngô Xuân Thành, TS. Văn Đức Tùng, KS. Nguyễn Trọng Dũng, KS. Bùi Tiến Dũng, CN. Phạm Quang Phúc, KS. Phạm Văn Hùng, KS. Vũ Đình Anh.

2. Mục tiêu đề tài: 

- Mục tiêu tổng thể: Khoanh định các khu vực có triển vọng quặng wolfram (sheelit) và khoáng sản đi kèm tại khối Sông Chảy.

- Mục tiêu cụ thể: Nghiên cứu làm rõ đặc điểm, điều kiện thành tạo, nguồn gốc, cấu trúc và hoạt động magma khống chế quặng hóa wolfram (sheelit) khối Sông Chảy; xác lập quy luật phân bố quặng hóa, thành lập các bản đồ khoanh định các khu vực có triển vọng quặng wolfram (sheelit) và khoáng sản đi kèm vùng nghiên cứu.

3. Các nội dung nghiên cứu:

- Nội dung 1: Tổng quan về quặng hóa wolfram (sheelit) trên thế giới, khối Sông Chảy và vùng lân cận.

- Nội dung 2: Nghiên cứu phân chia các loại hình quặng hóa sheelit có mặt trong vùng nghiên cứu dựa trên những nghiên cứu về các yếu tố vây quanh quặng, đặc điểm quặng hóa, nguồn gốc dung dịch tạo quặng, điều kiện thành tạo quặng hóa, nguồn gốc và thời gian tạo quặng.

- Nội dung 3: Nghiên cứu mối quan hệ giữa hoạt động magma và tạo khoáng, bối cảnh kiến tạo khu vực khống chế hoạt động magma-sinh khoáng.

- Nội dung 4: Nghiên cứu cấu trúc khống chế quặng hóa và xác lập mô hình địa chất địa vật lý cho quặng sheelit và khoáng sản đi kèm tại khối Sông Chảy.

- Nội dung 5: Xác lập tiền đề, dấu hiệu tìm kiếm quặng sheelit khối Sông Chảy, khoanh định những khu vực có triển vọng phục vụ công tác điều tra địa chất về khoáng sản trong khu vực.

4. Kết quả nghiệm thu và đánh giá của Hội đồng:

- Các sản phẩm nghiệm thu: 

1). Bản đồ qui luật phân bố và phân vùng triển vọng quặng sheelit và khoáng sản đi kèm tại khối Sông Chảy tỷ lệ 1/250.000;

2). Bản đồ cấu trúc khống chế quặng sheelit và khoáng sản đi kèm tỷ lệ 1/25.000 các khu vực có triển vọng;

3). Mô hình địa chất-địa vật lý quặng hóa quặng sheelit và khoáng sản đi kèm tại khối Sông Chảy;

4). Báo cáo tổng hợp kết quả của Đề tài;

4). Báo cáo tóm tắt đề tài;

5). 01 bài báo quốc tế và 01 bài báo công bố trên tạp chí chuyên ngành trong nước;

6). Đào tạo 01 thạc sỹ và hỗ trợ đào tạo 01 tiến sỹ.

- Kết quả đánh giá xếp loại của Hội đồng: Đạt.

5. Kết nghị của Hội đồng:

1)- Hoàn thiện báo cáo, tài liệu kèm theo ý kiến của 02 phản biện và các thành viên của Hội đồng:

- Xem xét thống nhất một số khái niệm, thuật ngữ trong báo cáo;

- Bổ sung công tác địa vật lý trong nội dung tổng quan;

- Xắp xếp phần nội dung công tác địa vật lý hợp lý trong báo cáo;

- Xây dựng một mô hình địa chất - địa vật lý thổng nhất;

- Làm rõ hơn đặc điểm thành phần khoáng vật quặng, sự có mặt của fluorit trong các kiểu quặng khu vực nghiên cứu;

- Nên có những minh chứng cụ thể về cách phân chia magma của thành tạo Sông Chảy với quặng hóa liên quan, xem xét nhận định về nguồn gốc granit của phức hệ Sông Chảy;

- Xem xét nhận định triển vọng, tiềm năng quặng wolfram (sheelit) theo loại hình nguồn gốc, khoanh định các khu vực triển vọng đề xuất đề xuất định hướng điều tra các diện tích cụ thể trong vùng nghiên cứu;

- Biên tập, chỉnh sửa một số lỗi kỹ thuật trên bản lời và bản vẽ minh họa trong báo cáo.

2- Kết luận, kiến nghị trong báo cáo nên viết rõ ràng, ngắn gọn kết quả đạt được; kiến nghị xem xét đề nghị những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

3- Xem xét bổ sung thuyết minh cho các bản vẽ kèm theo.


Các tin liên quan