Trên cơ sở tổng hợp tài liệu địa hình, địa chất và những thông tin thu thập taị khu vực, đặc biệt là kết quả từ dữ liệu thu được bằng ảnh chụp từ thiết bị không người lái (flycam), đoàn công tác của Viện đã xử lý, xây dựng thực nghiệm mô hình 3D địa hình ở tỷ lệ lớn (1:2000) và có những đánh giá ban đầu về điều kiện địa hình, địa chất, vỏ phong hóa tại 02 khu vực sạt lở ở Tổ 5 thị trấn Vinh Quang cụ thể như sau:
1. Đặc điểm địa hình
Thị trấn Vinh Quang có địa hình núi cao từ 400-800m, sườn dốc từ 30-40o bị bóc mòn, độ phân cắt địa hình cao, hoạt động phong hoá, bóc mòn, rửa trôi diễn ra mạnh mẽ. Vị trí 02 khu vực xảy ra trượt lở đất (được lấy ở Goole map với ảnh Spot độ phân dải 5m) thể hiện như ở hình 1.
Hình 1: Vị trí 02 khu vực sạt lở đất ở thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì
Tại đây, mạng lưới sông suối chủ yếu là các khe suối hẹp, lưu lượng nước lớn chủ yếu vào mùa mưa, một số dòng chảy có lưu lượng lớn dẫn đến xâm thực sâu vào bề mặt địa hình tạo thành các rãnh sâu bóc mòn đến đá gốc. Mạng lưới sông suối dày gồm sông Chảy đi qua ranh giới phía nam của thị trấn, còn lại là các khe suối nhánh, dòng chảy thường xuyên, lưu lượng nước lớn chủ yếu vào mùa mưa, một số dòng chảy có lưu lượng lớn dẫn đến xâm thực sâu vào bề mặt địa hình tạo thành các rãnh sâu bóc mòn đến đá gốc.
Địa hình khu vực thị trấn Vinh Quang bị phân cắt rất mạnh, cộng với độ che phủ thực vật của khu vực rất thấp làm tăng nguy cơ xảy ra lũ bùn đá, sạt lở đất đá. Hiện tượng trượt lở đất đá xảy ra tập trung chủ yếu ở các khu vực địa hình bị cắt xẻ tạo ra các vách taluy nhân tạo, đặc biệt là dọc tỉnh lộ 177 đi qua khu vực thị trấn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình công cộng cũng như dân sinh.
Địa hình khu vực thị trấn Vinh Quang hầu hết đều có nguồn gốc bóc mòn hoặc bóc mòn - xâm thực, có mức độ phân cắt mạnh, độ dốc lớn, vỏ phong hóa dày. Do vậy trượt lở đất đá hầu như xảy ra trên tất cả các khu địa hình. Tại khu vực sườn bóc mòn có độ dốc cao, đá gốc bị phong hoá, bóc mòn và rửa trôi mạnh, biểu hiện rõ nhất là các khu vực bị sườn dốc đang xảy ra hiện tượng trượt lở đất đá trên bề mặt địa hình, có thể quan sát được từ ảnh chụp thực địa từ thiết bị flycam và ảnh mô hình 3D (được xây dựng từ ảnh chụp flycam tỷ lệ 1:2000 - hình 2).
|